Vài ý kiến xung quanh cuộc tranh luận bảo vệ bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng
Trước hết phải khẳng định rằng, việc bảo vệ rừng Sơn Trà không còn là chuyện của Hiệp hội du lịch hay của UBND thành phố, mà đó là trách nhiệm của thế hệ Người Đà Nẵng hôm nay và là ước muốn của tất những ai yêu mến thành phố bên núi bên sông này. Những câu chuyện xoay quanh việc khai thác bán đảo Sơn Trà trong thời gian gần đây phải nói là một tín hiệu đáng mừng. Bởi, qua đó đã thể hiện được những quan tâm đặc biệt của mọi người đối với sự phát triển của thành phố mà theo tôi đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét các vấn đề liên quan đến khai thác bán đảo Sơn Trà bấy lâu nay một cách khách quan, khoa học và mang tính hệ thống.
Theo quan điểm của tôi, nếu xét về điều kiện tự nhiên thì Bán đảo Sơn Trà là thành phần quan trọng trong cấu trúc hệ sinh thái Núi-Sông-Biển, yếu tố tạo nên giá trị đặc trưng cho không gian đô thị Đà Nẵng mà không nơi nào có được; xét về mặt kinh tế thì Bán đảo Sơn Trà là điểm đến quan trọng trong hoạt động du lịch, là thương hiệu không chỉ dành riêng cho Đà Nẵng mà của cả khu vực Miền Trung; xét về mặt môi trường Bán đảo Sơn Trà với hơn 4400 ha rừng là lá phổi xanh của thành phố và đặc biệt hơn cả là hệ sinh thái tự nhiên nơi đây, nơi hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có loài vọoc chà vá chân nâu đang sinh trưởng…Tất cả những giá trị đó đều phải được phát huy trong quá trình xây dựng thành phố hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế cho thấy bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó bởi nội hàm của nó đã tồn tại sự mâu thuẫn gây gắt. Một khi đã bảo tồn thì hầu như không được tác động làm thay đổi nguyên trạng (thậm chí phải dỡ bỏ tất cả những gì do con người tạo dựng), mà đã phát triển thì tất yếu sẽ tác động đến sự toàn vẹn của hệ sinh thái tự nhiên. Nếu chỉ cực đoan chọn 1 trong 2 cách trên thì hoàn toàn không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi, trong quá trình phát triển thì cần phải đặt mọi sự vật trong sự vận động, việc thay đổi cảnh quan thiên nhiên là tất yếu trong đó phải thừa nhận con người và hoạt động con người là thành phần không thể thiếu của hệ sinh thái đô thị. Do đó mục tiêu bảo tồn và phát triển phải luôn song hành. Nhưng điều quan trọng nhất mà hiện nay chưa được trả lời một cách thấu đáo, đó là bảo tồn cái gì và phát triển như thế nào, đâu là “ngưỡng” để không phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên bởi lẽ mỗi môi trường sinh thái chỉ thích ứng với một giới hạn tác động nhất định, đặc biệt là sự can thiệp của con người. Sự tăng hay giảm cường độ tác động ra ngoài giới hạn thích hợp của hệ sinh thái sẽ tác động đến chất lượng môi trường và khả năng tồn tại sinh vật. Vậy, giải quyết vấn đề cội rễ ở đây là gì, theo tôi đó là:
Thứ nhất, về vấn đề bảo tồn
Bảo tồn trước tiên chính là hệ sinh vật của Bán đảo Sơn Trà, trong đó xác định rõ loài thực vật nào, động vật nào cần bảo tồn, chắc chắn rằng voọc chà vá chân nâu cần được chú trọng. Theo một số nghiên cứu mà tôi đọc được, thì khẳng định phạm vi cư trú của loài voọc chà vá này khoảng trên 250 ha, chúng thường sống ở độ cao từ 1300m, tuy nhiên ở Sơn Trà thì người ta vẫn thấy voọc chà vá xuống gần bờ nước để tìm kiếm thức ăn, điều này chứng tỏ điều kiện môi trường thay đổi thì loài voọc chân nâu cũng có khả năng thích ứng khác nhau. Hay con số thống kê hiện nay có bao nhiêu cá thể (300, 700 hay 1335 cá thể) voọc chà vá chân nâu đang sinh sống trên khu vực bán đảo Sơn Trà vẫn còn tranh cãi. Do đó, câu trả lời chính xác cho vấn đề cần bảo tồn cái gì, bảo tồn như thế nào trong điều kiện hiện nay rất cần các chuyên gia trong lĩnh vực sinh thái học lên tiếng thông qua những phương pháp nghiên cứu mang tính khoa học và khách quan. Và tôi cho rằng, việc bảo tồn cũng phải gìn giữ và phát huy các giá trị nhân tạo mà con người đã tạo ra trong quá trình hình thành và phát triển của Bán đảo Sơn Trà.
Thứ hai, về vấn đề phát triển
Câu chuyện tranh cãi xung quanh con số 1600 phòng lưu trú và 4,6 triệu lượt khách tham quan là nhiều hay ít cũng chưa có lời giải thuyết phục. Theo tôi, mức độ khai thác phục vụ cho du lịch là bao nhiêu thì phù hợp phải dựa trên những tính toán thật chặt chẽ, thể hiện bằng các con số cụ thể để chứng minh. Việc lưu trú ở đây hay hoạt động tham quan trên bán đảo Sơn Trà sẽ gây ra những tác động tiêu cực gì, mức độ ảnh hưởng như thế đến môi trường (ví dụ như lượng nước tiêu thụ là bao nhiêu, nguồn nước ở đâu, diện tích chiếm dụng đất đai tự nhiên ra sao, lượng rác thải cần phải xử lý như thế nào…). Tuy nhiên ở đây, cần nhìn nhận một cách công bằng rằng, không phải tất cả các dự án triển khai xây dựng nào cũng có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái của khu vực bán đảo. Nếu chúng ta biết vận dụng các giải pháp hợp lý từ thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, khai thác năng lượng xanh, tái tạo chất thải hay tận dụng tối đa điều kiện địa hình tự nhiên…thì các yếu tố nhân tạo này vẫn mang lại những giá trị tích cực cho môi trường, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan của khu bảo tồn thiên nhiên, dự án InterContinental Danang trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong lịch sử của WTA và duy nhất trên thế giới ba năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016 đạt được giải thưởng danh giá “Oscar của ngành du lịch toàn cầu” là một minh chứng.
Kết quả của việc nghiên cứu và tính toán trên, là cơ sở để thành phố xây dựng một quy chế quản lý đặc biệt đối với hoạt động khai thác và bảo tồn khu thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà, ví dụ như không được chặt phá cây có đường kính lớn, những loài thực vật nào là nguồn dinh dưỡng chính cho voọc chà vá chân nâu thì cần được chăm sóc bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo cho loài vọoc di chuyển và tiếp cận với bờ để kiếm ăn (kết nối tán lá cây tạo thành “cầu vượt” băng qua lối đi lại...), quy định những loại cây được phép và không được phép trồng tại các dự án nhằm đảm bảo tính quần thể, phù hợp với hệ sinh vật nơi đây; hay quy định chặt chẽ mật độ xây dựng tối đa bao nhiêu, công trình xây dựng cao bao nhiêu mét, sử dụng vật liệu gì, tiết kiệm năng lượng ra sao, không được làm thay đổi địa hình tự nhiên…Trên cơ sở các tiêu chí cụ thể đó, thành phố tiến hành rà soát các dự án đã được phê duyệt trước đây, yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố cũng nên thu hồi các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư không triển khai, dự án kéo dài nhiều năm đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện tăng diện tích cây xanh cho bán đảo.
Cuối cùng tôi xin mượn ý của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính khi nói về quy hoạch đô thị Đà Nẵng, đó chính là nguyên tắc để chúng ta ứng xử một cách thận trọng đối với khu bảo tồn thiên Sơn Trà vô giá này:
" Không một đô thị nào ở nước ta lại sở hữu một tài nguyên sinh thái đồ sộ, phong phú và đa dạng đến thế (núi, rừng, sông, biển...), Đà Nẵng đang tọa lạc trên vùng đất - giang sơn gấm vóc thu nhỏ...Phát triển nhanh và hiện đại lên, song chớ để cho cái gia tài Trời cho ấy suy chuyển. Hãy để cho tất cả chúng có mặt trên mặt đất, cộng tồn và cộng sinh, tạo nên một đô thị duy nhất - đô thị sống chung với tự nhiên…”.
(Nguồn: Báo Công an thành phố Đà Nẵng ngày 03/6/2017)./.
KTS. TÔ HÙNG
CÁC TIN KHÁC
- ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
- NGHĨA TÌNH BIÊN GIỚI VIỆT - LÀO
- ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA THỂ THAO CƠ SỞ
- XÃ HỘI HÓA VÀ NHỮNG BẤT CẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
- QUẢN LÝ CONDOTEL, BÀI TOÁN NHIỀU ẦN SỐ
- GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÀ NẴNG THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
- TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
- CẦN RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
- MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÀ NẴNG THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
- BÀN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ
- TẠO DỰNG ĐÔ THỊ GIÀU BẢN SẮC
- XÂY DỰNG TỔ CHỨC BỘ MÁY TINH GỌN, HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ
- ĐÔ THỊ HÓA VÀ NHỮNG HỆ LỤY CHO LỐI SỐNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG
- MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ NHẰM PHÁT HUY HIỆU QUẢ TUYẾN CAO TỐC ĐÀ NẴNG - QUẢNG NGÃI
- NGỔN NGANG CẢNH QUAN TUYẾN ĐƯỜNG VEN BIỂN
- Cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng: cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp
- Đề án Sữa học đường - một quyết sách nhân văn của Đà Nẵng
- NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC VỀ TRƯỜNG SA
- Tích hợp là chuyện của tương lai
- GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH TRẬTTỰ TRONG CHƯƠNG TRÌNH “THÀNH PHỐ 4 AN”
-
Trang trước
1 2 Trang tiếp
Cơ quan chủ quản: Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng
Trưởng ban biên tập: Cao Thị Huyền Trân - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng.
Địa chỉ: 42 Bạch Đằng - Quận Hải Châu - thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: (0236) 3817602 - (0236) 3825051 Email: dbnd@danang.gov.vn
30-01-2018